Chính quyền trung ương Hành chính Việt Nam thời Hồ

Trong hành chính của chính quyền cấp trung ương, chức cao nhất là các chức quan hàng tướng quốc và tam thái: thái sư, thái phó, thái bảo. Những chức vụ này đều do các thân vương nhà Hồ nắm giữ như hoàng tử Hồ Nguyên Trừng, hoàng thân Hồ Quý Tỳ (em Hồ Quý Ly).

Tiếp đến là các chức quan hàng tam thiếu: thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo. Sau đó đến tam tư: tư đồ, tư mã, tư không.

Trong triều còn có 6 thượng thư sảnh tương đương với lục bộ, quản lý các công việc hành chính, tổ chức, ngoại giao, tín ngưỡng, tài chính ngân sách, quân sự, ty pháp. Đứng đầu thượng thư sảnh là chức thượng thư hành khiển và thương thư hữu bật. Dưới các chức này là chức thị lang, lang trung.

Hồ Quý Ly chấn chỉnh đội ngũ quan lại, định ra thể thức mũ áo các quan văn võ theo sắc màu, do thiếu bảo Vương Nhữ Chu soạn[1]:

  • Quan nhất phẩm (áo) màu tía;
  • nhị phẩm màu đỏ thẫm;
  • tam phẩm màu hồng nhạt;
  • tứ phẩm màu xanh lục;
  • ngũ phẩm, lục phẩm, thất phẩm màu xanh biếc;
  • bát phẩm, cửu phẩm màu xanh.

Nội thị thì dùng quần hai ống, không dùng xiêm. Người không có phần hàm và hạng hoàng nô thì dùng màu trắng. Các tụng quan chức tước từ lục phẩm trở lên dùng mũ cao sơn, chánh lục phẩm được thắt đai, đi hia. Về sắc mũ, chánh thì sắc đen, tòng thì sắc xanh. Người tôn thất thì đội mũ phương thắng màu đen. Võ quan tước lục phẩm đội mũ chiết xung, tước cao mà không có chức thì thắt đai, đội mũ giác đính, tứ thất phẩm trở xuống đội mũ thái cổ; tòng thất phẩm đội mũ toàn hoa. Vương hầu đội mũ viễn du; ngự sử đài đội mũ khước phi.

Khi nhà Hồ chính thức thành lập cũng theo quy chế này.